Monday, February 3, 2014

TẾT XƯA VÀ NAY TRONG TẠP BÚT “ VỀ NGÀY TẾT” CỦA NHÀ VĂN PHAN THỊ VÀNG ANH

TẾT XƯA VÀ NAY TRONG TẠP BÚT “ VỀ NGÀY TẾT” CỦA NHÀ VĂN PHAN THỊ VÀNG ANH
15:45', 9/2/ 2008 (GMT+7)
Kể từ năm 2000 đến nay, mỗi khi tết đến tôi lại nhớ đến bài tùy bút “Về ngày Tết” của nhà văn Phan Thị Vàng Anh đăng trên báo Tiền Phong số giáp Tết 2001 mà tủm tỉm cười. Cười vì, Tết với thế hệ trẻ ngày nay lại mang một “phong vị” khác xưa: tiện nghi, đơn giản, ít mất thời gian, thiết thực hơn ...
Nội dung bao trùm của tạp bút là cái ý nghĩ vui vui mà sâu sắc của tác giả về ngày Tết, “cái gì đụng đến Tết cuối cùng cũng khó khăn. Thêm vào đó, đừng tưởng có ngày đó người ta vui người ta dễ dãi. Tết, đó là kỳ nghỉ dài nhất mà cũng là gò bó nhất của người  Việt Nam”.
Thế thì, Tết đã làm cho tác giả cảm thấy “gò bó nhất”, “khó khăn” nhất đó là gì vậy?
Khó khăn đầu tiên với tác giả là chọn mua và gởi thiệp chúc Tết.

Tưởng chuyện “xưa như trái đất”, ngày Tết ai ai mà chả một lần gởi thiệp chúc Xuân. Vậy mà, với Vàng Anh thì “năm nào cũng thế, việc khó nhất mà bắt buộc phải làm là gởi thiệp chúc Tết”. Năm nào cũng gởi thiệp hoa mai hoa đào, kèm thêm câu chúc “tiếng Anh chen lẫn tiếng Việt” dễ gây nhàm chán, nên “mẹ tôi nói, mình nên thay đổi, đừng mua những tấm thiệp như thế nữa, mua những tấm bưu thiếp phong cảnh, nghệ thuật, viết vài câu phía sau, “cho nó khác”. Chuyện tưởng dễ mà đâu có dễ dàng, bởi vì ngày đầu năm là dịp có nhiều kiêng cữ, cữ kiêng nhất. Vì “mở ra cái ảnh nào cũng “có vấn đề”: gởi hình đàn vịt có thấp thoáng người  chăn vịt cầm sào đội nón, lại sợ như trù người  ta làm ăn lổ lã; hình buổi chiều vàng có lá rụng, lại thêm ông già ngồi buồn trong công viên, thì lại tưởng như mình trù ẻo mất mát, neo đơn. Đến cả cảnh bãi biển thênh thang, trông có vẻ vô thưởng vô phạt nhất cũng lo biết đâu người nhận sợ năm nay hoang vắng. Mà rút lại, nếu có gởi đi thì cũng biết đề cái gì đằng sau? Chẳng lẽ lật tấm ảnh bãi biển ra, ghi câu: “Chúc một năm mới an khang”? Cuối cùng, đành dẹp hết ra mua một lô thiệp Tàu vẽ hoa đào với chim tước mập mạp, phúng phính”.
Khó khăn vẫn chưa hết với tác giả, vì đến “đoạn vắt óc ra nghĩ lời chúc mà ghi”. Ghi gì đây? “Vẫn biết rằng mỗi thiệp gởi đến một người khác nhau, và chẳng bao giờ có chuyện tất cả những người  nhận đem thiệp của ta ra đọ, thì khi viết cũng chùn tay, không dám viết hệt nhau cái câu: “Chúc anh (chị) một năm mới mạnh khỏe, vạn sự như ý”. Nhưng thế chính là tự làm khổ mình, vì tìm ra cho được 20 câu chúc khách sáo khác nhau còn khó hơn tìm ra 20 câu độc đáo. Mà thật ra, 20 người  là 20 cảnh đời riêng biệt, mỗi người  mình biết đều đang ấp ủ giấc mơ riêng, đáng lẽ phải chúc bằng 20 câu cụ thể, kiểu: “Chúc anh năm nay lên trưởng phòng” thì thay vào đó, đắn đo qua lại cũng rơi vào những câu chung chung: “An khang, thịnh vượng”, “Vạn sự như ý”… Rồi tác giả kết lại, “sức mạnh của thói quen, nhất là vào những ngày bận bịu cuối năm, quả là vô địch” đã làm cho ta không thể làm khác được!
Rồi cái “khó khăn”, “gò bó” thứ hai trong ngày Tết với tác giả là, tìm cho ra thời gian rảnh rổi trong ngày Tết cho đúng nghĩa với từ “nghỉ Tết”. “Tết, đó là kỳ nghỉ dài nhất mà cũng là gò bó nhất của người  Việt Nam”, Vàng Anh đã từng nói thế. Nhưng, “đó là những ngày nghỉ trong bình thủy tinh, phải nương nhẹ, tránh đổ vỡ”. Vì, “ngày mồng Một, bố mẹ phải bấm bụng nhịn con, sợ đánh nó, nó khóc. Một cái bát vỡ trong ngày mồng Hai ăn uống nhộn nhịp cũng như báo hiệu tai ương…Không được ngã, không được hét, không được khóc, không được phạm sai lầm nào hết, thật là những điều kiện khắt khe của một cuộc chơi”. Để có thời gian nghỉ Tết thật sự, một “đề nghị tinh giản các thủ tục bếp núc để cho Tết thoải mái hơn” được đặt ra: “đêm 30 Tết không cần hối hả ủi đồ, việc chưa làm xong thì ngay sau giao thừa làm tiếp, sáng mồng Một hẵng giết gà, không cần làm trước cho chật tủ lạnh, không ăn mứt mà thay bằng bánh ngọt, không kho thịt, không muối kiệu, không nấu thịt đông; ăn cá, ăn tôm thay cho những món mà nhà nào cũng có…”. Thật là thời buổi hiện đại,“cái gì cũng có đủ, có thừa, bây giờ chỉ nghĩ đến việc hưởng Tết sao cho nhàn nhã! Thế nhưng khi nhàn rồi thì lại diễn ra cái cảnh là mọi người  trong nhà quây quần ăn bánh chưng mua ngoài chợ, ngồi nhắc lại những ngày Tết xưa phải chia nhau thức canh nồi bánh nhà luộc. Nhớ về Tết, tóm lại, chỉ toàn là nhớ về những gì mất công cho Tết: tay móp vì cắt rễ củ kiệu, rã rời vì sen mứt dừa, túi bụi quét vôi nhà và sơn cửa…”. Nhưng rồi rất nhiều cái nhớ trong thời khắc rãnh rỗi ấy lại đến với tác giả, “nhớ như in chiều 30 Tết cụ ngoại tôi vẽ bàn cờ vôi ở hiên nhà- bàn cờ cho tiên xuống chơi, cho quỷ khỏi vào nhà, làm sống lại từ sâu xa cái thế giới thần tiên thuở hoang sơ còn tranh chấp giữa tiên và ma quỷ”, “nhớ sáng mồng Một cái táo xanh rải trong giường , nhớ khi còn ngoài Hà Nội chen chân giữa chợ hoa vất vả giữ cho cành đào không rơi nụ…”. Và tác giả kết luận, “thật là mâu thuẫn!”. Lớp trẻ như tác giả, lớn lên không muốn làm những gì mà mình không rành, những gì mình cho là cầu kì phức tạp… Và nếp nhà cứ thế hao hụt đi ít nhiều qua mỗi lần Tết đến, đến mức chẳng còn nhận ra những gì là xưa cũ nữa.  Nhưng như ai đó đã nói, và được Phan Thị Vàng Anh dẫn trong bài tạp bút của mình là “Không mất công mất sức thì cũng mất luôn truyền thống”. “Cứ nhàn nhã, tiện nghi như vậy đi rồi -bài tạp bút tiếp- lại thêm nhớ tiếc những đêm yên lặng ngày xưa củi cháy tí tách ngoài vườn, có cha rù rì nói chuyện với mẹ và có con ngủ gật ở bên, nồi bánh chưng sôi ùng ục”.
“Về ngày Tết” là một bài tạp bút hay, để lại cho ta nhiều xao xuyến, luyến tiếc về những ngày Tết xưa trong những ngày tết của thời hiện đại. Bởi như tác giả đã từng dẫn: “Không mất công mất sức thì cũng mất luôn truyền thống”. Chao ôi là nhớ ơi là nhớ những Tết xưa…

No comments:

Post a Comment