Tuesday, February 4, 2014

Những đứa trẻ chân trần, áo cộc trên đỉnh Trường Sơn lạnh giá - Trường TH&THCS Dân Hóa huyện Minh Hóa (Quảng Bình)

Những đứa trẻ chân trần, áo cộc trên đỉnh Trường Sơn lạnh giá









Dưới cái lạnh như cắt da cứa thịt của một ngày cuối năm, chúng tôi lên đỉnh Trường Sơn huyện Minh Hóa (Quảng Bình), không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến những đứa trẻ mặc phong phanh, đôi chân trần vượt rừng, lội nước đến lớp.


Thiếu đủ thứ...

Gặp chúng tôi, thầy Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Dân Hóa phân trần: "Học sinh ở đây đang thiếu đủ thứ, nhất là quần áo ấm mùa đông, dép, áo mưa...". Nói xong, thầy dẫn tôi đến thăm 2 căn phòng cấp 4, mỗi phòng rộng chừng 20 m2 đã cũ kĩ. Đó là nơi ở của hơn 20 học sinh đang ở bán trú. Bên trong, những bếp lửa đang cháy đỏ, khói bay nghi ngút. Xung quanh bếp lửa, các em ngồi vây quanh sưởi ấm và nấu ăn. 

Phong phanh trong giá rét, em Hồ Thị Tôm, lớp 8A run rẩy. "Lạnh lắm các chú à. Nhất là về đêm, chúng cháu phải trải chiếu ngủ dưới đất. Có đêm không chợp mắt được phải ôm nhau cho đỡ rét". Trong phòng Tôm có gần chục em học sinh nhưng chỉ có hai giường, mỗi cái chỉ ngủ được hai em. Số còn lại đều phải trải chiếu ngủ dưới đất. 

Những đứa trẻ chân trần, áo cộc trên đỉnh Trường Sơn lạnh giá

Rời điểm trường trung tâm xã, chúng tôi vượt hàng giờ đồng hồ trên con đường đất nhầy nhụa để tiến vào bản Ka Ai. Vừa đặt chân đến căn nhà sàn đơn sơ đầu bản, Trưởng bản Hồ Xiêm chỉ tay vào bếp lửa đang cháy ngùn ngụt. "Vô ngồi tý cho đỡ rét đã cán bộ ơi!". 

Rót ly nước chè nóng mời khách, Hồ Xiêm trăn trở: "Vừa qua, được Nhà nước hỗ trợ gạo nên bà con vẫn còn có cái ăn, nhưng về lâu dài thì chưa biết tính thế nào. Đợt mưa bão vừa qua đã làm mùa lúa rẫy gần như mất trắng. Chừ (giờ) trời lạnh và mưa như ri làm răng bà con lên rẫy được, không biết Tết năm nay sẽ ra răng đây? Những năm trước, Ka Ai được xem là "vựa" lúa rẫy của xã Dân Hóa. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, bà con trong bản rộn ràng tiếng giã gạo để gói bánh, nhưng năm nay có lẽ không còn nữa". 

Khoảng 10 giờ trưa, 3 lớp học mần non trong bản đã tan học. Những đứa trẻ từ 3 đến 5 tuổi phải mặc những chiếc áo mỏng manh, đôi chân trần đen nhẻm bước đi trong cơn mưa phùn run trên con đường nhầy nhụa bùn đất và phân gia súc. Em Hồ Văn Bun, một học sinh rụt rè: "Nhà cháu đông anh em nên mẹ không có tiền mua dép và quần áo ấm. Ban ngày còn có lửa để sưởi ấm, còn về đêm thì lạnh tê buốt nên mấy anh em cứ ôm nhau co quắp, có ai ngủ được mô". 

Học sinh và trẻ em trên đỉnh Trường Sơn đang thiếu dép, quần áo ấm

Học sinh và trẻ em trên đỉnh Trường Sơn đang thiếu dép, quần áo ấm 

Mặc phong phanh, lội nước đến trường

Cũng thiếu thốn đủ thứ như học sinh ở xã Dân Hóa, nhưng học sinh và giáo viên của nhiều bản ở xã Trọng Hóa còn khổ hơn gấp nhiều lần. Đó là việc họ phải vật lộn với những dòng nước lạnh đến tận xương mới đến được trường. Hiện còn nhiều bản làng của xã đang bị cô lập như: bản Ông Tú, Ka Óoc, Rông và nhiều bản từ khu vực Ra Mai trở vào Lòm cũng bị ngăn khe, cách suối. 
"Hiện 13 bản làng của xã Dân Hóa có 159 em đang học Mầm Non, có 2 trường dành cho học sinh tiểu học và THCS với 695 học sinh, 251 lớp học. Trên 90% hộ dân của xã đều thuộc diện hộ nghèo nên nhiều người dân và nhất là học sinh vẫn còn thiếu áo quần mặc mùa đông. Rất mong các nhà hảo tâm chia sẻ khó khăn này, chỉ cần một bộ quần áo cũ đồng bào cũng mừng lắm rồi", thầy Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường TH và THCS Dân Hóa.

Có mặt tại bản Hưng vào một buổi sáng cuối năm lạnh buốt, tôi ra khe Dọi mới thấy được sự khổ sở của các em học sinh nơi đây. Từ bản Ông Tú, học sinh và nhiều người người dân phải cắt rừng đi bộ gần 1 giờ đồng hồ mới xuống tới con nước. Gần 20 em học sinh xắn quần cao, những em nhỏ hơn thì phải cởi luôn quần để lội nước rồi nắm tay nhau vượt qua dòng nước rộng chừng 15 mét. 

Ngược khe Dọi lên Ra Mai, chúng tôi đến bản Ka Óoc trên con đường sương mù giăng kín. Ở đó có 5 thầy cô giáo của Trường TH và THCS Ra Mai và 2 cô giáo mầm non đang chuẩn bị để lội qua khe nước sâu đến lớp. 

Mùa này, nước khe Dọi vẫn còn sâu khoảng 1 m, rộng chừng 30 m. Trong đoàn, có 2 cô giáo trẻ đang mang bầu cũng phải lội qua để cắm bản gieo chữ. Ở bên kia khe, hàng chục học sinh của điểm trường đang đứng nối dài mong chờ thầy cô đến. Giữa dòng nước dữ, thầy Bảo tâm sự: "Cuộc sống của chúng tôi vất vả quen rồi. Được cái là anh, chị em yêu nghề, yêu trò và quyết tâm bám bản gieo cái chữ cho con em vùng cao". 

Điểm trường Ka Óoc có trên 50 học sinh, phần lớn các em đều sống cùng gia đình trên đỉnh núi. Muốn đến lớp học, chúng phải băng rừng, lội suối đi bộ khoảng 3km mới đến nơi. Hôm chúng tôi đến Ka Óoc, trời lại đổ mưa phùn khiến con đường lên bản trơn trượt và lầy lội hơn nhiều. 

Giữa cái lạnh thấu xương, nhiều em vẫn không có nổi manh áo ấm

Giữa cái lạnh thấu xương, nhiều em vẫn không có nổi manh áo ấm 

Em Hồ Thị Cúc thỏ thẻ: "Ngày nào đến lớp chúng cháu cũng phải trèo đèo, lội suối. Trời nắng còn đỡ chứ mưa thì đường lầy lội và rét lắm! Có lần cháu đến lớp bị ngã, người ướt dầm dề, quần áo bẩn hết những vẫn cố gắng chịu rét để ngồi học". Nói xong, Cúc tiếp tục hì hục leo núi. Phía sau có vài em học sinh thỉnh thoảng té ngã, quần áo dơ bẩn nhưng vẫn tiếp tục vật lộn với con đường gian khổ. 

Hai ngày đêm trên đỉnh Trường Sơn, chúng tôi không thể nói hết nỗi vất vả, khổ nhọc của đồng bào, học sinh và thầy cô khi mùa đông về. Theo chuyến xe khách về lại thành phố, những cơn gió rét vẫn còn lùa theo. Sáng hôm sau, gặp anh bạn đồng nghiệp đưa đón con đi học bằng xe ô tô, quần áo tươm tất ấm áp. Tôi bỗng lại thấy nhớ và xót thương cho các em học sinh trên đỉnh Trường Sơn đến lạ... 

Đinh Vương - Đặng Tài

No comments:

Post a Comment